15 10/2014

CEO LADOFOODS VÀ “ƯỚC MƠ PHỔ THÔNG RƯỢU VANG”

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ mang Vang Đà Lạt vào trong bữa ăn của gia đình Việt và trở thành thức uống quen thuộc của mỗi người”, ông Phạm Hoàng Long chia sẻ.

Ông Phạm Hoàng Long tại Showroom của công ty ở TP.HCM.

Trao đổi với BizLIVE nhân dịp 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Hoàng Long, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods), vốn được biết đến với thương hiệu Vang Đà Lạt cho rằng, đứng trước con “sóng lớn”, doanh nghiệp Việt nếu có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng hoàn toàn có thể chiếm ưu thế, cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Kinh doanh ở lĩnh vực khá đặc thù, ông có thể chia sẻ câu chuyện đến với Vang Đà Lạt?

Bản thân tôi rất yêu thích rượu vang tuy nhiên trước đây cũng chưa thực sự hiểu nhiều về loại thức uống này. Trong một dịp tới Đà Lạt, một thành phố đẹp, lãng mạn, tôi vô tình thưởng thức rượu vang Đà Lạt và dường như tình yêu với Ladofoods cũng khơi nguồn từ đây.

Sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu về cổ phiếu của công ty, từng bước trở thành cổ đông và chính thức điều hành Ladofoods từ năm 2012.

Nhận định của ông về thị trường và văn hóa uống rượu vang tại Việt Nam hiện nay?

Các nước châu Âu một người sử dụng khoảng 30- 40 lít/năm, riêng Pháp thì trung bình dùng 40-50 lít/năm. Có một điều khá thú vị mà người ta gọi là “Nghịch lý về người Pháp” khi nói về vang: Người Pháp có một chế độ ăn với rất nhiều chất béo nhưng lại là quốc gia có tỷ lệ tử vong do các bệnh về máu và tim mạch thấp.

Dù ăn thực đơn nhiều calo, phụ nữ Pháp vẫn có chỉ số cân nặng thấp hơn và thân hình cân đối hơn so với các phụ nữ phương Tây khác. Nhiều tác dụng vậy nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng rượu vang còn rất thấp, mỗi người chỉ khoảng 1 ly rượu vang/ năm. Như vậy tiềm năng về thị trường rượu vang Việt vẫn còn rất lớn.

Tại Việt Nam, thói quen sử dụng rượu gạo, rượu ngô còn phổ biến. Sau này khi kinh tế phát triển, người dân lại quan tâm đến rượu ngoại. Tuy nhiên, khi có quá nhiều những tệ nạn đến từ rượu bia, phương hại đến sức khỏe thì một xu hướng tiêu dùng không nhỏ bắt đầu chuyển sang sử dụng rượu vang.

4 năm qua, dù kinh tế khó khăn nhưng tỷ lệ người sử dụng rượu vang Đà Lạt của Ladofoods vẫn tăng. Tôi nghĩ vang sẽ trở thành thức uống quan trọng của người Việt trong tương lai.

Nói đến rượu vang là cả một nghệ thuật từ khâu trồng trọt, chọn giống nho, chăm sóc, thời điểm thu hoạch, thời điểm cắt cành, khâu ủ, lên men, xuất thành phẩm, đến khâu thưởng thức… Tỷ lệ người biết thưởng thức vang tại Việt Nam hiện rất thấp. Thực ra uống vang là uống cảm xúc chứ không phải uống rượu, uống cho say.

Chiến lược của Ladofoods khi kinh tế Việt Nam sắp tới sẽ hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới?
Khi đó, rượu vang nhập ở nước ngoài như Pháp, Chilê, Mỹ, Úc… sẽ tràn ngập vào thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng doanh nghiệp nào cũng lên phương án cho mình.

Ladofoods tự tin với chất lượng sản phẩm nhờ được đầu tư bài bản từ nguồn nguyên liệu với phương pháp trồng hàng rào, kiểm soát chất lượng nho; dây chuyền sản xuất hiện đại nhập tứ Ý; hợp tác với các chuyên gia đầu ngành của nước ngoài; đặc biệt Ladofoods chú trọng nguồn nhân lực, thị trường, kênh phân phối và kiểm soát tốt nguồn tài chính.

Hiện quy mô sản xuất của công ty đạt khoảng trên 5 triệu lít mỗi năm với chất lượng vang không thua kém gì hàng ngoại nhập. Như vậy với thế mạnh là thương hiệu quốc gia, giá thành cạnh tranh, tôi nghĩ chúng tôi hoàn toàn có thể đứng vững trên sân nhà.

Ông có thể cho biết mục tiêu trong thời gian tới của Vang Đà Lạt sẽ là gì?

Mục tiêu lớn nhất là duy trì được vang Đà Lạt là thương hiệu lớn nhất về vang ở Việt Nam. Cùng với đó Ladofoods kỳ vọng sẽ mang Vang Đà Lạt vào trong bữa ăn của gia đình Việt và trở thành thức uống quen thuộc của mỗi người.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn theo http://bizlive.vn